Đối phó với triệu chứng phù nề khi mang thai - Diễn đàn bà bầu ĐangBầu.com

Đối phó với triệu chứng phù nề khi mang thai

Tran Nga

Tran Nga

Thành viên chính thức
Phù nề là một triệu chứng thường gặp ở các chị em phụ nữ đang mang thai, gây cảm giác đau đớn và khó chịu cho mẹ bầu khi di chuyển. Tùy vào cơ địa của từng người, phù nề có thể xuất hiện vào bất kì thời điểm nào, tuy nhiên thường gặp nhất vào 3 tháng cuối thai kỳ.

Phần lớn phù nề xuất hiện ở chân, tuy nhiên cũng có trường hợp phù nề ở tay và mặt, và đó có thể là những dấu hiệu của tiền sản giật. Do đó, khi bị phù đột ngột ở tay và mặt, các mẹ cần đi khám ngay ở các bệnh viện chuyên khoa. Hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng và một số phương pháp phòng tránh triệu chứng phù nề thai kỳ này nhé!
Phù nhẹ ở chân là bình thường. Tuy nhiên, nếu bị phù đột ngột ở tay và mặt thì có thể là dấu hiệu của tiền sản giật.

1. Nguyên nhân gây phù nề ở bà bầu:

Trong thời kỳ mang thai, cơ thể sản xuất thêm 50% lượng máu và chất lỏng bổ sung để đáp ứng cho nhu cầu phát triển của thai nhi. Sự gia tăng chất lỏng bổ sung này là rất cần thiết để giúp người mẹ “làm mềm” cơ thể, cho phép cơ thể mẹ có thể “nở rộng” ra để đáp ứng nhu cầu lớn lên của em bé. Chất lỏng bổ sung này cũng giúp khớp xương chậu và các mô tế bào giãn ra khi em bé chào đời, nó chiếm khoảng 25% trọng lượng tăng thêm trong thời gian mang thai. Điều này cũng dẫn tới hiện tượng phù nề ở các mẹ bầu.

Các nguyên nhân gây phù thường gặp như sau:
– Đứng lâu.
– Chế độ ăn ít kali.
– Tiêu thụ nhiều caffein.
– Ăn nhiều natri (muối).
– Một ngày làm việc vất vả.
– Thời tiết nóng bức mùa hè.

2. Nhận biết tình trạng phù nề:

Phù nề nặng thì biểu hiện bên ngoài rất rõ ràng, hầu như ai cũng có thể nhậnbiết đó là thấy sưng (nhưng thường không kèm đau) ở mắt, mặt, chân tay hay ở bụng. Đặc biệt khi nắn, bóp vào vùng da bị phù có thể thấy nơi đó bị lõm xuống khá lâu mới đầy lên được. Tuy nhiên, trong trường hợp phù nhẹ thì nhiều khi xác định không dễ dàng.

Khuôn mặt sau khi ngủ dậy, soi gương nếu thấy mặt bất chợt to hơn bình thường, hơi “phị” ra, mi trên hai mắt “nặng như chì” thì rất có khả năng đã bị phù.

Khi bị phù các ngón tay sẽ to lên. Đối với chân, khi quan sát chân, cần chú ý các vùng như mắt cá, đầu gối của hai chân, nơi có các đầu xương lồi lên tạo ra các hố lõm. Nếu mu bàn chân, cẳng chân sưng to; phù nhẹ thì các hố quanh các mấu xương sẽ như bị “đầy” lên thì chắc chắn đã bị phù nề.

Nếu thai nghén phát triển bình thường thì trong suốt thai kỳ, người phụ nữ có thể tăng thêm trung bình 12kg (trong đó 3 tháng đầu chỉ tăng khoảng 1kg, ba tháng giữa tăng trung bình 5kg và vào 3 tháng cuối tăng khoảng 6kg). Nếu thấy cân tăng nhanh, quá mức bình thường thì khả năng bị phù nề rất cao. Thời gian theo dõi những tháng đầu chỉ cần nửa tháng/lần, còn vào ba tháng cuối cần mỗi tuần/lần. Khi đã nghi ngờ bị phù, phải theo dõi liên tục hàng ngày.

3. Cách làm giảm triệu chứng phù nề:

– Bà bầu hạn chế việc đứng lâu.
– Tránh ở lâu ngoài trời với khí hậu nóng bức.
– Kê chân khi ngồi.
– Tránh mang giày cao gót, nên lựa chọn những đôi giày thấp, an toàn, thoải mái.
– Không mặc quần áo chật, tránh đi tất, giầy chật, đặc biệt là những đôi giày, tất thít chặt lấy cổ chân vì nó càng làm cho hiện tượng phù nề gia tăng.
– Nghỉ ngơi và bơi trong hồ bơi.
– Dùng gạc lạnh chườm vào chỗ bị phù.
– Uống nước lọc giúp lọc rửa cơ thể, giảm khả năng trữ nước.
– Giảm natri (muối). Tránh bỏ thêm muối khi nấu ăn.

Khi bị phù nề, mẹ bầu cần thay đổi chế độ ăn uống, cụ thể là bổ sung kali vào thực đơn hàng ngày của mình. Những thức ăn giàu kali có thể kể đến như: hoa quả, rau xanh, thịt gà, thịt đỏ, cá, sữa, sữa chua, sản phẩm từ đậu nành, các loại hạt…

Lưu ý: Nếu sưng phù không giảm qua vài đêm hoặc sau một vài tiếng thấy phù nặng đến tay, mặt hoặc các bộ phận khác của cơ thể, hãy đi gặp bác sĩ và nói về tình trạng của bạn.

Tổng Hơp Theo aFamily
 
Chỉnh sửa lần cuối bởi người điều hành:
Bên trên