Bà bầu ăn Sầu Riêng, nên hay không nên? - Diễn đàn bà bầu ĐangBầu.com

Bà bầu ăn Sầu Riêng, nên hay không nên?

Đặng Bội Ngọc

Đặng Bội Ngọc

Thành viên chính thức
Sầu riêng là món ăn có hương thơm đặc biệt và mùi vị đặc trưng được rất nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ mang thai lại không dám ăn loại trái cây này. Vậy bà bầu ăn sầu riêng có tốt không?


Phụ nữ mang thai luôn phải cẩn thận về vấn đề ăn uống. Trong thời gian này, có một số thai phụ thường xuyên bị ốm nghén, nôn ói trong khi một số khác lại rơi vào tình trạng thèm rất nhiều thức ăn. Sầu riêng là một trong những món khoái khẩu của nhiều người, nhưng ăn sầu riêng khi mang thai liệu có an toàn không? Hãy cùng nhau tìm hiểu nhé !


Bà bầu ăn sầu riêng có tốt không?

Sầu riêng là loại trái cây nhiệt đới, có nguồn gốc từ Đông Nam Á. Loại quả này thường xuất hiện vào mùa hè, có mùi vị rất riêng, không lẫn vào đâu được. Bên ngoài, vỏ của loại quả này phủ đầy gai nhưng bên trong, thịt có màu vàng ruộm với một mùi hương hấp dẫn. Sầu riêng không phải là món ăn yêu thích của tất cả mọi người nhưng khi đã yêu, bạn sẽ khó lòng cưỡng lại mùi vị hấp dẫn của nó đấy.

Bên cạnh mùi vị, sầu riêng rất giàu dinh dưỡng. Ở một số nước châu Á, sầu riêng là món ăn “cấm kỵ” đối với phụ nữ mang thai vì nhiều người cho rằng tính nóng của nó có thể ảnh hưởng xấu đến thai nhi hay có thể ảnh hưởng đến làn da của trẻ sau sinh. Tuy nhiên, không có bằng chứng khoa học nào chứng minh điều này.

Phụ nữ mang thai vẫn có thể ăn sầu riêng. Sầu riêng mang lại nhiều lợi ích cho bà bầu vì nó chứa nhiều vitamin và khoáng chất tốt cho cơ thể. Ngoài ra, sầu riêng còn có đặc tính kháng khuẩn, kháng nấm, nên an toàn cho bà bầu. Tuy nhiên, nếu bạn ăn quá nhiều, sầu riêng sẽ gây ra nhiều tác dụng phụ không tốt.

Ăn sầu riêng khi mang thai đem đến những lợi ích sức khỏe gì?

Sầu riêng có chứa rất nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể:

1. Giàu chất xơ

Táo bón là vấn đề khá phổ biến đối với phụ nữ mang thai do sự thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ. Sầu riêng hoạt động như một loại thuốc nhuận tràng tự nhiên, giúp loại bỏ các hóa chất độc hại ra khỏi cơ thể.

2. Giàu axit folic

Sầu riêng rất giàu axit folic, giúp ngăn ngừa dị tật ống thần kinh cho thai nhi. Ăn 100g sầu riêng có thể đáp ứng khoảng 9% nhu cầu axit folic mỗi ngày mà cơ thể cần.

3. Giàu vitamin B

Sầu riêng chứa rất nhiều các loại vitamin thuộc nhóm B như vitamin B1, B2 và B3. Những loại vitamin này rất tốt cho sức khỏe của phụ nữ mang thai.

4. Giàu chất chống oxy hóa

Ngoài chất xơ và vitamin B, sầu riêng còn có chứa kẽm, tryptophan và organo-sulfur có tác dụng chống oxy hóa. Các chất này giúp bảo vệ bạn và thai nhi khỏi sự tấn công của các chất gây ô nhiễm và các gốc tự do.

5. Giàu vitamin C

Vitamin C không chỉ giúp tăng cường sức đề kháng mà nó còn giúp ích cho việc hấp thu canxi và sắt cho bạn và bé.

6. Giàu khoáng chất

Sầu riêng có chứa rất nhiều khoáng chất như sắt, đồng, mangan và magiê. Những khoáng chất này rất có lợi cho những phụ nữ mang thai đang cần bổ sung máu để cung cấp cho thai nhi.


7. Không có chất béo có hại cho cơ thể

Sầu riêng không chứa cholesterol và những loại chất béo có hại cho cơ thể. Ngoài ra, sầu riêng còn giúp điều hòa huyết áp trong thai kỳ.

8. Chống trầm cảm

Sầu riêng giúp hạn chế trầm cảm khi mang thai và sau khi sinh.


Tại sao phụ nữ mang thai nên ăn ít sầu riêng?

Mặc dù sầu riêng chứa rất nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe nhưng nó cũng chứa rất nhiều đường và carbohydrate. Hai múi sầu riêng kích thước trung bình chứa khoảng 60 kcal. Vì vậy, ăn quá nhiều sầu riêng có thể làm lượng glucose trong máu tăng đột biến, khiến cân nặng của bé tăng lên. Điều này sẽ khiến quá trình chuyển dạ và sinh nở gặp khó khăn.

Những ai nên tránh ăn sầu riêng khi mang thai?

Hàm lượng đường và carbohydrate cao trong sầu riêng có thể có hại cho một số phụ nữ mang thai. Bạn nên tránh ăn loại trái cây này nếu:
  • Bạn bị đái tháo đường đường thai kỳ
  • Bạn đã từng bị đái thái đường thai kỳ ở lần mang thai trước
  • Có tiền sử gia đình mắc bệnh đái tháo đường
  • Bạn bị béo phì
  • Bạn đang ở trong tam cá nguyệt thứ ba.
Vì vậy, trước khi ăn, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé nhé.

Bạn nên ăn sầu riêng như thế nào?

Nếu thèm ăn sầu riêng khi mang thai, bạn có thể chế biến sầu riêng thành những món tráng miệng và đồ ăn nhẹ để thưởng thức. Bạn có thể làm một số món với sầu riêng như bánh crếp nhân sầu riêng, kem sầu riêng, bánh ngọt nhân sầu riêng…

Phụ nữ đang cho con bú có thể ăn sầu riêng không?

Nhiều phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ cho rằng việc ăn sầu riêng có thể giúp lượng sữa tiết ra nhiều hơn. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có nghiên cứu nào chứng minh điều này. Nhiều chuyên gia cho rằng nguyên nhân là do sầu riêng có chứa rất nhiều chất dinh dưỡng tốt cho cơ thể như vitamin C, sắt, kali, carbohydrate, chất xơ, protein và canxi.

Mỗi ngày, những bà mẹ đang cho con bú có thể đốt cháy tới 500kcal. Do đó, nguồn dinh dưỡng từ sầu riêng sẽ rất có ích nhưng bạn vẫn chỉ nên ăn vừa phải và nếu có bất cứ nghi ngờ gì, bạn nên hỏi bác sĩ ngay nhé.

Nhìn chung, sầu riêng khá an toàn cho phụ nữ mang thai. Bạn có thể ăn sầu riêng nếu thèm nhưng chỉ nên ăn vừa đủ thôi nhé.

 
Chỉnh sửa lần cuối bởi người điều hành:
Bên trên