Bà bầu có được ăn bánh tráng trộn? - Diễn đàn bà bầu ĐangBầu.com

Bà bầu có được ăn bánh tráng trộn?

Đặng Bội Ngọc

Đặng Bội Ngọc

Thành viên chính thức
Bánh tráng trộn là món ăn khoái khẩu của nhiều người. Không thể phủ nhận bánh tráng trộn rất lạ miệng, thơm ngon, hấp dẫn. Tuy nhiên, bà bầu ăn bánh tráng trộn cần cảnh giác vì những nguy cơ có thật ở món ăn này.


5 hiểm họa có thật về món bánh tráng trộn

Bánh tráng ẩm mốc

Bánh tráng là nguyên liệu chính cho món ăn đường phố này. Nhưng không ai biết nguồn gốc của bánh tráng bán cho bạn ăn là từ đâu. Sau khi trộn với nhiều loại gia vị hấp dẫn, không ai có thể nhận ra bánh tráng mới, chất lượng hay đã ẩm mốc.

Chưa kể đến việc các quầy bánh tráng hầu như không được che đậy. Trong tình trạng thành phố ô nhiễm nặng như thế này, làm sao có thể đảm bảo bụi bẩn không bám vào món ăn vặt yêu thích của bạn?

Ngoài ra, dụng cụ làm món ăn này cũng không hề được đảm bảo vệ sinh. Bà bầu dễ bị táo bón và các vấn đề về tiêu hóa. Vì thế chắc chắn cần cẩn thận hơn khi lựa chọn thực phẩm cho mình.


Mực khô, bò khô giả

Bạn sẽ dễ dàng nhận thấy mực khô, bò khô trong bánh tráng trộn đều không phải là thật. Giá bán một bịch bánh tráng rất rẻ.

Vậy mà mực khô, bò khô thì lại khá nhiều. Các loại thịt khô giá rẻ bán rất nhiều trên thị trường, trong những túi nilon hay thùng giấy không nhãn mác.

Sẽ không quá nguy hiểm nếu những loại khô này được làm giả từ thịt heo sạch. Nhưng nếu chúng được làm từ bã sắn hay nhựa cao su dẻo thì sao? Thậm chí nếu chúng làm từ thịt bẩn, thịt heo bệnh thì hiểm họa khôn lường.

Các loại sốt không rõ nguồn gốc

Các loại sốt chính là linh hồn của bánh tráng trộn vì chúng sẽ tạo nên hương vị chua cay hấp dẫn. Tuy nhiên, để tiết kiệm, nhiều chủ hàng bánh tráng chế biến sốt từ dầu ăn không rõ nguồn gốc trộn với ớt khô xay.

Món sốt me cũng không ai biết được chế biến như thế nào. Liệu đó là sản phẩm chính hãng, hay là sản phẩm tự làm được đổ lại vào những chai có nhãn mác?

Chế biến mất vệ sinh

Người bán bánh tráng trộn thường sử dụng chậu inox hoặc nhựa để trộn. Có người trộn bằng tay không, có người sử dụng găng tay. Nhưng bạn cũng không hề biến bàn tay trộn bánh tráng ấy có sạch không.

Những nguyên liệu trong món bánh tráng được sơ chế và bảo quản rất sơ sài. Nếu ruồi muỗi, chuột hay gián đã từng "đụng chạm" những nguyên liệu này thì khả năng bà bầu gặp vấn đề về tiêu hóa rất cao.


Bao ni lông không đảm bảo vệ sinh

Hầu hết các tiệm bánh tráng trộn đều cho thức ăn vào những bao ni lông trắng khá mỏng. Không nhiều tiệm sẽ sử dụng bao ni lông đựng thực phẩm chất lượng. Tất nhiên các chủ quán làm vậy là để hạ giá thành món ăn.

Nếu những túi ni lông này được làm từ nhựa PVC thì không thể đựng thực phẩm an toàn. Bạn có thể sẽ ăn phải phẩm màu, kim loại nặng hay hạt vi nhựa nguy hiểm.

Bà bầu ăn bánh tráng trộn có được không?

Theo thạc sĩ, bác sĩ Đào Thị Yến Nhi (ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM): "Bánh tráng trộn là món nguội nên không được tiệt trùng như nhiều thực phẩm khác. Người ăn vào có thể bị ngộ độc thực phẩm, nôn ói, nhức đầu, có những biểu hiện di chứng về thần kinh rất nguy hiểm".


Tuy vậy, bà bầu khi ốm nghén, thèm ăn một món gì đó mà không được ăn thì sẽ rất khó chịu. Vì thế, nếu quá thèm, bà bầu có thể lựa chọn những tiệm bánh tráng uy tín. Tốt nhất nên ăn ở những tiệm bạn biết rõ nguồn gốc nguyên liệu, quy trình làm bánh tráng.


Nếu có thời gian rảnh, bạn có thể học cách tự làm tại nhà. Như thế bạn sẽ đảm bảo an toàn và biết chắc chắn những nguyên liệu được sử dụng. Các nguyên liệu cho món ăn này khá dễ tìm, điều quan trọng là bạn biết cách làm nước sốt ngon.

Trong tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm đáng ngại như hiện nay, bạn hoàn toàn không nên chủ quan mà nghĩ rằng bầu ăn bánh tráng trộn cũng không sao. Hãy luôn luôn cẩn thận nhất có thể. Bạn đang ăn cho cả hai người chứ không phải một mình mình nữa đâu!

 
Bên trên