Bơ và những lợi ích tuyệt vời dành cho bà bầu - Diễn đàn bà bầu ĐangBầu.com

Bơ và những lợi ích tuyệt vời dành cho bà bầu

Đặng Bội Ngọc

Đặng Bội Ngọc

Thành viên chính thức
Bơ không chỉ mang đến những lợi ích dinh dưỡng bất ngờ cho bà bầu mà còn đem lại nhiều tác động tốt cho sự phát triển của thai nhi.


Thông thường, có khá nhiều thai phụ sẽ gặp vấn đề về táo bón khi mang thai. Tình trạng có thể đi kèm với các vấn đề về đường tiêu hóa khác như ợ nóng, nôn mửa. Tất cả những điều này đều tạo ra những rắc rối nhất định, đặc biệt là khi bạn cần nghỉ ngơi đầy đủ trong quá trình bầu bí. Nếu bạn đang tìm kiếm một loại trái cây vừa ngon, vừa bổ mà lại đẩy lùi chứng táo bón thì đừng bỏ qua những thông tin trong bài viết sau.


Bà bầu có nên ăn bơ?

Quả bơ được xem là mọt loại trái cây rất an toàn trong chế độ ăn của mẹ bầu. Chúng chứa một lượng khá cao chất dinh dưỡng quan trọng như chất béo tốt, vitamin và khoáng chất khác. Tất cả đều tốt cho quá trình mang thai. Do vậy, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích bà bầu nên ăn bơ với lượng vừa phải.


Bà bầu nên ăn bao nhiêu bơ một ngày?

Những mặt tốt của việc ăn bơ sẽ nhanh chóng phản tác dụng nếu như mẹ bầu ăn quá nhiều. Việc ăn điều độ, đa dạng các loại thực phẩm, hoa quả luôn là chìa khóa vàng cho sức khỏe. Nếu mẹ bầu chỉ ăn mỗi một loại trái cây thì thường chỉ có thể cung cấp cho cơ thể một vài nhóm chất dinh dưỡng, khoáng chất và chất béo nhất định. Do vậy, bạn chỉ nên ăn khoảng 1/2 đến 1 quả bơ mỗi ngày để có thể ăn các loại trái cây khác, tránh mọi tác dụng phụ không mong muốn.

Lợi ích sức khỏe khi bà bầu ăn bơ

Những lợi ích khác nhau khi bà bầu ăn bơ bao gồm:

1. Cung cấp axit folic

Tình trạng cơ thể mẹ bầu bị thiếu hụt axit folic có thể gây dị tật bẩm sinh ở trẻ. Thai nhi cần có đủ axit folic để tăng trưởng và phát triển. Trong khi đó, bơ là nguồn dưỡng chất khá phong phú và có thể cung cấp khoảng 5mcg axit folic/100g thịt quả bơ. Do vậy, mẹ bầu hãy cân nhắc bổ sung dưỡng chất này cho thai kỳ bằng việc ăn bơ nhé.

2. Hỗ trợ chữa thiếu máu

Tình trạng thiếu sắt có thể dẫn đến thiếu máu ở phụ nữ mang thai và gây nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con. Thịt quả bơ chứa lượng sắt dồi dào cần thiết, thêm vào đó, tỷ lệ sắt trong bơ cũng giúp cân bằng lượng sắt trong cơ thể, giúp giảm nguy cơ thiếu máu.

3. Hỗ trợ hệ tiêu hóa

Như đã nói ở trên, bệnh dạ dày và táo bón diễn ra khá phổ biến trong thai kỳ. Tin vui là mẹ bầu hoàn toàn có thể đẩy lùi những tình trạng này bằng cách ăn bơ. Hàm lượng chất xơ phong phú trong quả bơ sẽ hỗ trợ hệ tiêu hóa giúp quá trình đi vệ sinh của mẹ bầu diễn ra nhẹ nhàng hơn.

4. Giảm ốm nghén

Ốm nghén cũng nằm trong những triệu chứng khó chịu khi mang thai và dễ dàng đánh gục bất kỳ mẹ bầu nào trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Dẫu cho như vậy, bạn cũng đừng vội đầu hàng mà hãy cân nhắc đến việc ăn trái bơ xem sao nhé. Lượng vitamin C có trong quả bơ rất tốt trong việc chống lại cảm giác buồn nôn khi mang thai và mệt mỏi.

5. Giảm chuột rút


Thông thường, tất cả phụ nữ mang thai sẽ gặp phải hiện tượng chuột rút ở chân tại một vài thời điểm nào đó. Tình trạng này có thể được giải tỏa bằng cách bổ sung thêm kali và canxi vào chế độ ăn. Bơ trở thành một lựa chọn tuyệt vời với tỷ lệ đáng kể của cả hai loại khoáng chất trên, từ đó giúp giảm đau do chuột rút khi mang thai.

6. Kiểm soát nồng độ cholesterol và đường

Chế độ ăn uống thiếu cân bằng đi cùng những cơn thèm ăn có thể khiến nồng độ cholesterol và đường trong máu của mẹ bầu vượt quá giới hạn cho phép. Tình trạng này có thể giảm xuống một cách tích cực nếu mẹ bầu ăn bơ. Bơ có tác dụng trong việc giữ cho mức cholesterol và đường trong tầm kiểm soát.

7. Hỗ trợ hấp thụ chất dinh dưỡng

Bơ không chỉ cung cấp nhiều chất dinh dưỡng mà còn giúp cơ thể bạn hấp thụ chất dinh dưỡng từ các thực phẩm khác nhanh và hiệu quả hơn. Ví dụ, bơ giúp cơ thể hấp thụ carotenoid, một chất chống oxy hóa từ khoai lang, rau xanh và cà rốt.

8. Giảm nguy cơ tiền sản giật

Hàm lượng kali phong phú trong quả bơ sẽ giúp điều chỉnh huyết áp của mẹ bầu, từ đó giúp giảm nguy cơ mắc phải tiền sản giật. Mặt khác, bà bầu ăn bơ có thể phần nào giúp hạn chế nguy cơ mắc các vấn đề về tim trong tương lai.

Bà bầu nên ăn bơ vào lúc nào?

Các chuyên gia đưa ra lời khuyên bà bầu nên ăn trong thời kỳ đầu mang thai để bổ sung folate. Nồng độ folate thấp khi mang thai giai đoạn đầu đã được chứng minh là có liên quan đến dị tật ống thần kinh ở thai nhi. Do đó, nếu thưởng thức khoảng một quả bơ mỗi ngày, bạn cũng đồng thời “đẩy” các bệnh về rối loạn thần kinh tránh xa bé yêu.

Ngoài ra, khi bước vào tam cá nguyệt thứ 3, thai nhi vẫn đang tiếp tục lớn lên không ngừng, các cơ quan bắt đầu thành hình và não bộ cũng dần phát triển đến đỉnh điểm. Trong thời gian này, mẹ bầu sẽ cần rất nhiều khoáng chất cần thiết như chất xơ, vitamin C, vitamin K… và tất cả chúng đều hiện diện trong quả bơ với hàm lượng dồi dào. Vì thế, hãy chú ý đến loại trái cây này vào giai đoạn cuối của thai kỳ để cung cấp những chất dinh dưỡng thiết yếu cho thai nhi.

Công thức chế biến món ăn từ bơ cho mẹ bầu

Mẹ bầu có thể ăn bơ như một món ăn vặt trong lúc buồn miệng theo những cách sau:

1. Sinh tố bơ


Nếu bạn đã quá quen với món bơ xay cùng với sữa, tại sao không thử chuyển sang một công thức mới?

Nguyên liệu:
  • 1/2 quả bơ
  • 1/2 quả táo
  • 1 quả chuối
  • 1 cốc đá
  • Nước đường
Cách thực hiện:
  1. Bóc vỏ bơ và chuối, dùng dao bào bào vỏ táo
  2. Cho tất cả nguyên liệu vào máy xay
  3. Xay đều trong 2 – 3 phút
  4. Cho nước đường ngọt hay nhạt tùy vào khẩu vị
  5. Tiếp tục xay đến khi thấy hỗn hợp đã mịn
  6. Đổ ra ly và thưởng thức.
2. Trứng nướng bơ


Nguyên liệu:
  • 2 quả bơ chín
  • 4 quả trứng
  • Tiêu
Cách thực hiện:
  1. Làm nóng lò nướng ở mức 200℃
  2. Cắt dọc quả bơ, bỏ hạt. Nếu hạt quả bơ quá nhỏ, bạn nên múc bớt đi một ít thịt quả bơ để lấy chỗ đựng trứng
  3. Đặt hai nửa quả bơ lên khay nướng và đập một quả trứng vào mỗi nửa
  4. Cố gắng đập trứng sao cho lòng đỏ ở chính giữa và lòng trắng bao quanh để thêm phần đẹp mắt
  5. Nướng trong khoảng 15 phút. Thời gian nướng có thể thay đổi và bạn nên kiểm tra xem lòng trắng trứng đã cứng lại hay chưa
  6. Sau khi nướng xong, bạn có thể rắc thêm một chút tiêu lên trên để tạo thêm hương vị.
3. Salad bơ


Vào những ngày nóng bức, salad là một lựa chọn tuyệt vời cho bữa trưa. Việc kết hợp bơ trong món salad sẽ làm món ăn còn ngon hơn trước. Ngoài ra, những nguyên liệu như rau, cà chua sẽ giúp bạn “giải” ngấy, hỗ trợ bổ sung chất xơ.

Nguyên liệu:
  • 100g ức gà luộc, xé sợi
  • 150g rau xà lách
  • 50g cà chua bi
  • 1 nắm rau rocket
  • 1 trái bơ nhỏ
  • Dầu ô liu
  • Tiêu
Cách thực hiện:
  1. Cắt đôi cà chua bi và rau thành miếng vừa ăn. Đối với bơ, bạn bóc vỏ rồi cắt thành từng lát mỏng
  2. Cho tất cả nguyên liệu vào một cái tô
  3. Trộn đều cùng một chút dầu ô liu
  4. Rắc tiêu để tạo thêm hương vị.
4. Bánh mì nướng bơ

Đây là một gợi ý lý tưởng dành cho bữa sáng nếu bạn không muốn ăn món gì quá nặng bụng nhưng vẫn đầy đủ chất dinh dưỡng.

Nguyên liệu
  • 1 – 2 lát bánh mì
  • 1/2 quả bơ
  • Một chút xíu muối
Cách thực hiện:
  1. Làm nóng bánh mì bằng lò nướng hoặc trên chảo
  2. Bóc vỏ và nghiền nhuyễn phần thịt quả bơ
  3. Trộn bơ cùng 1 chút muối để tạo thêm vị
  4. Dùng muỗng phết đều bơ lên bánh mì
Bạn có thể làm thêm 1 quả trứng ốp la vào dùng kèm để đảm bảo đủ năng lượng cho ngày dài làm việc.

Ăn bơ quá nhiều có hại không?
Dưới đây là những tình huống bạn có thể phải hạn chế hoặc ngừng ăn bơ:


  • Nếu bị thừa cân khi mang thai và phải kiểm soát cân nặng, bạn không nên ăn bơ hoặc chỉ ăn với mức hạn chế. Tuy được được đánh giá là chất béo tốt nhưng lượng calo trong quả bơ vẫn có thể khiến bạn tăng cân.
  • Nếu bị dị ứng với latex thì bà bầu nên hạn chế ăn bơ vì các thực phẩm như bơ và chuối đều có liên quan đến tình trạng dị ứng latex.
Bà bầu ăn bơ một cách vừa phải và điều độ là điều được khuyến khích. Bạn hãy kết hợp bơ với một vài thực phẩm lành mạnh khác như trái cây, rau quả để tăng thêm phần ngon miệng mà vẫn đảm bảo dinh dưỡng.

Đọc thêm:
 
Bên trên