Cơ thể có 3 dấu hiệu này, mẹ bầu dừng ăn đồ bổ ngay kẻo khổ cả mẹ lẫn con! - Diễn đàn bà bầu ĐangBầu.com

Cơ thể có 3 dấu hiệu này, mẹ bầu dừng ăn đồ bổ ngay kẻo khổ cả mẹ lẫn con!

Ngọc Anh

Ngọc Anh

Thành viên chính thức
Nạp quá nhiều chất dinh dưỡng khi mang thai có thể ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của mẹ và bé, đồng thời gây khó khăn cho quá trình sinh nở.


Khi mang thai, chắc hẳn bà mẹ nào cũng mong muốn con được phát triển khỏe mạnh nên thường xuyên bổ sung các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng. Tuy nhiên, mẹ bầu nên lưu ý "ăn cho hai người" là quan điểm hoàn toàn sai và khi mang bầu, cơ thể mẹ cần được nạp dinh dưỡng hợp lý, cân bằng để tốt cho cả mẹ và con.

Nếu mẹ tăng cân quá nhiều sẽ có nguy cơ cao bị tiểu đường thai kỳ, ảnh hưởng đến sức khỏe đồng thời gây khó khăn cho quá trình sinh nở.


Mẹ bầu nên theo dõi lượng đường trong máu. (Ảnh minh họa)

Dưới đây là 3 dấu hiệu trên cơ thể cho thấy mẹ đang nạp thừa dinh dưỡng, cần cân băng lại chế độ ăn ngay.

Có triệu chứng khó tiêu, táo bón sớm

Thông thường, trong giai đoạn đầu và giữa thai kỳ, em bé chưa phát triển quá lớn nên sẽ không gây tác động quá nhiều đến dạ dày của mẹ, có nghĩa là các triệu chứng như khó tiêu và táo bón thai kỳ sẽ chưa xuất hiện.

Còn nếu chưa bước sang giai đoạn 3 mà mẹ bầu đã thường xuyên cảm thấy đầy bụng, khó tiêu, táo bón thì có thể là do mẹ ăn quá nhiều đồ bổ, thiếu rau xanh, hoa quả.


Mẹ bầu bị táo bón, khó tiêu sớm nên trao đổi với bác sĩ để nhận được lời khuyên tốt nhất. (Ảnh minh họa)

Hơi thở có mùi

Khi mẹ bầu ăn quá nhiều, thức ăn sẽ chưa thể tiêu hóa hoàn toàn và tích tụ trong cơ thể, sau đó bị phân hủy bởi vi sinh vật tạo ra mùi khó chịu.

Ngoài ra, tình trạng mất nước cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến hơi thở có mùi chứ không phải chỉ là do vệ sinh răng miệng kém. Nếu mẹ bầu không uống đủ nước thì thực phẩm sẽ bám lại trên răng miệng lâu hơn, từ đó dẫn đến mùi hôi.

Vì vậy, hơi thở bỗng nhiên có mùi cũng là dấu hiệu cảnh báo chế độ ăn uống của mẹ đang không hợp lý.


Lượng đường trong máu cao

Theo dõi lượng đường trong máu thường xuyên cũng là việc làm cần thiết khi mang bầu. Nếu mẹ không có tiền sử tiểu đường trước đây mà thấy lượng đường trong máu cao thì cần điều chỉnh chế độ ăn ngay để tránh tiểu đường thai kỳ. Nếu không được kiểm soát, tình trạng có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng.
Nói chung, khi cơ thể có dấu hiệu trên, tốt nhất mẹ bầu nên trao đổi với bác sĩ để có được tư vấn hợp lý nhất về chế độ ăn uống cũng như sinh hoạt.

Ngọc Anh (Theo Eva.vn)
 
Bên trên