Đau bụng khi mang thai - 6 điều bác sĩ muốn mẹ bầu phải biết - Diễn đàn bà bầu ĐangBầu.com

Đau bụng khi mang thai - 6 điều bác sĩ muốn mẹ bầu phải biết

mebeMon

mebeMon

Thành viên chính thức
Đau bụng khi mang thai khá phổ biến và hầu hết không nguy hiểm nhưng bà bầu vẫn cần chú ý các triệu trứng đi kèm theo để đi khám kịp thời.


Đau bụng khi mang thai đặc biệt là đau bụng dưới không chỉ gây khó chịu, mà còn đáng sợ, vì bất cứ loại đau nào trong vùng bụng cũng có thể khiến bà bầu lo lắng nghĩ đến những viễn cảnh xấu. Tin vui là chứng đau bụng dưới khá phổ biến và hầu hết không nguy hiểm. Điều quan trọng là biết khi nào cần tìm sự giúp đỡ.

Tại sao chúng xảy ra?

Đau bụng dưới thường do các cơ của tử cung co bóp. Trong ba tháng đầu thai kì, đau bụng dưới có thể là do trứng đã thụ tinh được cấy vào trong tử cung, cũng như tử cung phát triển. Tuy nhiên, nếu đau bụng kèm theo chảy máu, đó có thể là dấu hiệu sảy thai. Sau đó trong thời kỳ mang thai, đau bụng cũng có thể là dấu hiệu co thắt dạ con, hoặc khi gần 37 tuần, có thể là dấu hiệu sắp sinh.

Các cơn gò Braxton Hicks

Gò tử cung là một trong những "báo động đỏ" cho thấy bạn sắp bắt đầu giai đoạn chuyển dạ. Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn đúng với tất cả các cơn gò. Thỉnh thoảng, mẹ sẽ gặp một vài "báo động giả" nhưng y như thật bởi cơn gò sinh lý Braxton Hicks. Trong những tháng cuối thai kỳ, thai phụ cảm thấy tử cung có những cơn gò nhẹ trong khoảng 30 đến 60 giây, một vài lần trong ngày, đó là những cơn gò sinh lý Braxton Hicks (cơn đau giả). Không giống các cơn gò chuyển dạ diễn ra nhịp dàng, đều đặn, cơn gò sinh lý không thể dự đoán trước và không có “nhịp điệu”.



Cơn đau đẻ giả Braxton Hicks thường xuất hiện ở giai đoạn cuối thai kỳ. (ảnh minh họa)

Đau dây chằng tròn vùng chậu

Phụ nữ mang thai đôi khi bị đau nhức ở vùng bụng hoặc vùng háng, thường ở một bên. Đây không phải là chứng đau bụng dưới nguy hiểm. Dây chằng tròn vùng chậu là hệ thống dây chằng nằm ở khung xương chậu bao quanh tử cung. Khi tử cung giãn nở theo sự phát triển của thai nhi, dây chằng tròn vùng chậu cũng bị căng ra theo gây cảm giác đau đớn cho mẹ bầu. Chúng có thể cố định một chỗ hoặc thay đổi vị trí khi mẹ bầu chuyển tư thế hoặc đứng lên, ngồi xuống. Thậm chí, nhiều mẹ bầu cảm thấy cơn đau âm ỉ lan dọc xuống vùng háng và hai bên hông.

Chuột rút bụng dưới sau khi "yêu"

Một số phụ nữ trải qua cơn co thắt tử cung sau khi đạt cực khoái. Mặc dù không gây nguy hiểm, nhưng nhiều phụ nữ tự hỏi mình có nên ngừng quan hệ tình dục hay không. Câu trả lời là không. Nếu chuyện yêu khiến bạn đau đớn quá lâu hoặc chảy máu, khi đó bạn mới nên dừng lại.

Làm gì khi bị đau bụng dưới?

Thông thường, khi nghỉ ngơi nhiều, triệu chứng đau cũng giảm đi. Ngoài ra, mất nước cũng có thể làm cho cơn đau tồi tệ hơn, vì vậy hãy uống thật nhiều nước. Nếu những cơn đau đến thường xuyên, bạn hãy thử tắm nước ấm. Nước ấm giúp bà bầu dễ chịu hơn vào 3 tháng cuối thai kì khi không chỉ làm giảm chứng đau bụng mà còn cả cơn đau lưng.

Khi nào nên khám bác sĩ?

Nếu chỉ có những cơn đau bụng dưới, bạn không cần phải quá lo lắng. Tuy nhiên nếu thấy có máu hoặc chảy nhiều dịch, bạn cần hỏi bác sĩ ngay lập tức. Ngoài ra cũng cần lưu ý nếu những cơn co thắt ở bụng tăng tần suất hoặc quá mạnh, hoặc không đỡ khi bạn nằm xuống và nghỉ ngơi thì cũng cần đến bệnh viện kiểm tra ngay.

Theo Ngọc Trâm (Dịch từ Parent) (Khám phá)
 
Bên trên