Đau cổ vai gáy: Nguyên nhân và cách khắc phục hiệu quả giành cho bà bầu - Diễn đàn bà bầu ĐangBầu.com

Đau cổ vai gáy: Nguyên nhân và cách khắc phục hiệu quả giành cho bà bầu

Đặng Bội Ngọc

Đặng Bội Ngọc

Thành viên chính thức
Trong thời kỳ mang thai, mẹ cũng gặp nhiều vấn đề về sức khỏe, đau cổ vai gáy cũng là một trong số chúng. Việc nắm được nguyên nhân là điều cần thiết để mẹ bầu phòng ngừa và khắc phục cũng như điều trị.


Khi mang thai, mẹ bầu có thể cảm thấy đau cứng cổ trong ba tháng đầu thai kỳ. Cơn đau thường xuất hiện ở vùng vai và cổ, sau đó có thể lan đến khắp vùng đầu và lưng gây khó chịu, cũng như cản trở sinh hoạt của bà bầu. Rất may là tình trạng này có thể khắc phục bằng nhiều biện pháp khác nhau, bởi lẽ nếu để chứng đau vai gáy này kéo dài sẽ gây ảnh hưởng bất lợi đến sức khỏe của mẹ bầu lẫn thai nhi.

Bài viết này sẽ chia sẻ với các mẹ bầu để hiểu rõ hơn những nguyên nhân gây ra hiện tượng này, đồng thời biết cách xử lý an toàn nhất.


Truy tìm nguyên nhân khiến bà bầu bị đau cổ vai gáy

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đau cổ vai gáy, trong đó, những nguyên nhân phổ biến nhất bao gồm:

1. Thay đổi nội tiết tố

Quá trình mang thai khiến cơ thể phụ nữ bị mất cân bằng nội tiết tố, chủ yếu nhất là sự thay đổi nồng độ estrogen và progesteron. Sự tăng quá mức hoặc giảm xuống quá thấp của estrogen (hormone kiểm soát trao đổi chất ở não và cột sống) sẽ khiến cho cơ cổ chùng xuống và gây đau nhức ở vùng bị ảnh hưởng.

Thêm vào đó, sự sụt giảm hormone progresteron (có vai trò như một chất thư giãn tự nhiên), dẫn đến mẹ bầu căng thẳng, mất ngủ và tình trạng đau cổ vai gáy sẽ lại càng nặng hơn.

2. Nằm ngủ về một phía trong thời gian dài


Hầu hết phụ nữ mang thai đều được khuyên nên nằm nghiêng về bên trái khi ngủ để tạo cảm giác thoải mái hơn, đồng thời đảm bảo quá trình dinh dưỡng đến nhau thai diễn ra tốt. Ngoài ra, tư thế này còn giúp giữ tử cung tránh tiếp xúc hoặc đè lên gan.

Tuy vậy, nếu duy trì tư thế này liên tục, lâu dần phần vai gáy của bà bầu sẽ trở nên bị cứng do phải chịu áp lực nhiều. Tình trạng này dễ gặp nhất là mỗi khi thức dậy.

3. Áp lực quá mức lên các cơ

Khi mang thai, dây chằng ở cổ mẹ bầu có xu hướng mở rộng, các cơ lưng và cột sống phải chịu nhiều áp lực hơn, khi mà bụng bầu bắt đầu to dần để phù hợp với kích thước của thai nhi đang ngày càng phát triển. Điều này cũng là nguyên nhân dẫn đến đau cổ.

4. Mẹ bầu ít vận động

Việc tăng cân khi mang thai sẽ khiến các cử động trở nên khó khăn hơn, từ đó làm cho mẹ bầu ngại vận động. Điều này thật không tốt, bởi nó khiến các cơ bị co cứng và xuất hiện những cơn đau cổ vai gáy và vùng thắt lưng. Nhất là khi mẹ bầu đang làm những công việc như văn phòng hay thường xuyên ngồi lâu ở một vị trí.

5. Nhiễm lạnh

Một trong những vùng dễ bị nhiễm lạnh nhất trên cơ thể chính là phần vai gáy. Hơn nữa, việc kết hợp với tư thế nằm nghiêng khi ngủ cũng tạo “điều kiện” để vùng này dễ bị không khí lạnh ảnh hưởng hơn. Mẹ bầu có thể nhận biết mình bị nhiễm lạnh khi có những biểu hiện như: đau họng, ho, sốt nhẹ…

Mách bà bầu các biện pháp khắc phục tại nhà cho tình trạng đau cổ vai gáy

Nếu bạn đang gặp phải chứng đau cổ vai gáy khi mang thai, lời khuyên là nên tránh sử dụng thuốc giảm đau hoặc bất kỳ loại thuốc nào khác trừ khi có chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn phải “cắn răng chịu đựng”. Có một số biện pháp khắc phục tại nhà hiệu quả trong việc giúp giảm đau cổ nếu được thực hiện đúng cách ở ngay trong bài viết này:

1. Thực hiện các bài tập phù hợp


Trong thời gian mang thai, bà bầu nên thực hiện những bài tập phù hợp để cải thiện sức khỏe và tăng độ dẻo dai cho xương khớp. Trong đó, những bài tập kéo giãn được cho là khá phù hợp, có thể giảm đau cho vùng cổ và lưng của bạn. Ngoài ra, bài tập này còn giúp hạn chế hiện tượng đau cổ tay và khớp háng, giúp thư giãn cơ thể, đồng thời xua tan căng thẳng.

Ngoài ra, mẹ bầu cũng có thể dành 10 phút đi bộ mỗi ngày hoặc tập các bài yoga nhẹ để cải thiện sức khỏe, tăng cường miễn dịch.

2. Hãy thử chườm nóng

Đây là phương pháp giảm đau khá phổ biến được nhiều người áp dụng dựa trên nguyên tắc là nhiệt độ cao từ túi chườm sẽ làm giảm áp lực lên các khớp xương và dây thần kinh xung quanh.

Mẹ bầu có thể dùng túi chườm với nước ấm (nhiệt độ thích hợp ở khoảng 80 độ C) hoặc có thể dùng gừng, muối hột rang nóng sau đó bọc trong khăn bông hay vải cotton dày để chườm.

3. Chườm lạnh

Tương tự như trên, chườm lạnh cũng hỗ trợ giảm đau vai gáy rất tốt. Bạn có thể bắt đầu chườm túi đá từ 7 đến 20 phút.

Tốt hơn hết, bạn nên luân phiên áp dụng giữa chườm nóng và lạnh trong ngày để phát huy tác dụng. Lưu ý giữa các lần chườm, bạn nên để cơ cổ nghỉ ngơi ít nhất 30 phút trước khi thực hiện lại.

4. Thay chiếc gối ngủ

Sử dụng loại gối không phù hợp hoặc kê quá nhiều gối khi ngủ cũng có thể dẫn đến đau cổ và lưng. Vì vậy, thay vì ngủ trên nệm hoặc gối quá cứng, bạn nên đầu tư vào một chiếc gối tốt, tạo cảm giác thoải mái khi nằm. Hiện nay, có một số loại chuyên dùng cho bà bầu, bạn có thể dễ dàng đặt mua trên các trang bán hàng online. Hãy thử áp dụng lời khuyên này và chứng đau cổ có thể được giảm dần trong thời gian ngắn.

5. Massage vùng cổ


Mỗi buổi tối, bạn có thể nhờ chồng hoặc một người thân khác trong gia đình giúp bạn massage vùng bả vai, cổ và sau gáy mỗi khi cơn đau tìm đến. Để có kết quả tốt hơn, mẹ bầu nên thực hiện ngay sau khi tắm nước ấm. Đồng thời với đó là kết hợp sử dụng các loại tinh dầu như oải hương, dầu dừa hoặc dầu ô liu để cho cơ thể được thư giãn.

6. Thủy trị liệu

Thủy liệu pháp hay thủy trị liệu hiện đang là một trong những phương pháp được chứng minh có hiệu quả đối với người mắc chứng đau cổ vai gáy. Nó dựa trên việc sử dụng lực tác động của nước để massage, giúp lưu thông mạch máu, mang lại cảm giác thư giãn cho người bệnh.

Điều cần làm là khi tắm, bạn hãy nhắm cho lực nước tác động đến khu vực bị ảnh hưởng từ 3 – 4 phút (chú ý là nên dùng nước ấm). Sau đó, chuyển sang nước lạnh trong 60 giây. Lặp lại một chu trình như vậy khoảng vài lần cho đến khi bạn cảm thấy khỏe hơn. Nước nóng đóng vai trò kích thích sự lưu thông máu và làm dịu các cơ đang cứng, trong khi nước lạnh lại có tác dụng làm giảm viêm hiệu quả.

7. Hãy thử bơi

Bơi lội cũng được cho là có khả năng làm dịu đi tình trạng đau cổ vai gáy khó chịu. Tuy nhiên, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi thử áp dụng phương pháp này hoặc bất kỳ thứ gì có liên quan đến việc xuống nước.

8. Sử dụng một quả bóng tennis

Thoạt nghe có vẻ lạ nhưng nó lại hoàn toàn có khả năng giảm đau cho bạn đấy! Cách thực hiện là bạn giữ quả bóng tennis mềm ở giữa phần lưng và bề mặt tường nhà, sau đó di chuyển thật chậm rãi từ bên này sang bên kia để massage vùng bị ảnh hưởng. Điều quan trọng là bạn cần sử dụng trọng lượng cơ thể để có áp lực mong muốn.

9. Dùng giấm táo


Với thành phần là các chất chống oxy hóa, cùng đặc tính chống viêm, giấm táo có thể giúp giảm tình trạng đau cổ vai gáy của bạn. Ngâm một ít bông gòn hoặc khăn giấy vào giấm táo và đắp nó lên trên những vị trí bị đau nhức trong vòng một vài giờ để cho hiệu quả tốt nhất.

Gợi ý bài tập đơn giản để giảm đau cổ vai gáy khi mang thai

Bạn hoàn toàn có thể ngăn ngừa chứng đau cổ vai gáy quấy rầy, đặc biệt là trong ba tháng đầu thai kỳ với các bài tập cực kỳ đơn giản và an toàn để tập luyện tại nhà. Hãy thử các bài tập mà chúng tôi gợi ý sau đây, trường hợp nếu cơn đau vẫn còn tiếp diễn, bạn nên đi khám với bác sĩ chuyên khoa ngay lập tức.

Bài tập 1: Ngồi thẳng trên sàn nhà, mắt hướng nhìn về phía trước. Sau đó quay đầu sang bên trái hết mức có thể và giữ nguyên tư thế này trong khoảng 15 giây. Tiếp đến, từ từ quay đầu về vị trí ban đầu. Tương tự như vậy, tiếp tục lại quay đầu sang phải, giữ vị trí này trong khoảng 15 giây rồi từ từ quay đầu về vị trí ban đầu.


Bài tập 2: Từ từ hạ cằm xuống ngực và giữ nguyên tư thế này trong mười lăm giây, sau đó quay lại tư thế ban đầu. Điều này sẽ giúp thư giãn phần cơ cổ của bạn và hỗ trợ giảm đau hiệu quả. Mẹ bầu nên thực hiện lặp đi lặp lại nhiều lần để có kết quả tốt.

Đau cổ vai gáy là tình trạng vô cùng phổ biến trong thai kỳ. Nếu chẳng may gặp phải cơn đau khó chịu này, đừng vội tìm ngay đến thuốc mà hãy thử các biện pháp khắc phục tại nhà và các bài tập đơn giản chúng tôi đã gợi ý ở trên. Tuy vậy, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để biết hình thức tập luyện nào là thực sự phù hợp với mình, bạn nhé!

 
Bên trên