Nghẹt mũi khi mang thai - phải làm sao đây? - Diễn đàn bà bầu ĐangBầu.com

Nghẹt mũi khi mang thai - phải làm sao đây?

Ngọc Anh

Ngọc Anh

Thành viên chính thức
Có đến 30% thai phụ rơi vào tình trạng nghẹt mũi một cách tự nhiên. Chứng nghẹt mũi khi mang thai có thể bắt đầu vào đầu tháng thứ hai và có xu hướng xấu đi theo thời gian. Tình trạng tắc nghẽn sẽ bớt ngay sau khi sinh và biến mất hoàn toàn sau đó hai tuần.



Do hàm lượng estrogen cao hơn khi mang thai có thể gây viêm sưng trong niêm mạc mũi và thậm chí có dịch nhầy. Bên cạnh đó, lượng máu trong cơ thể của bà bầu tăng lên có thể khiến các mạch máu nhỏ trong niêm mạc mũi sưng lên và tắc nghẽn các mô xung quanh. Ngoài ra, yếu tố hormone cũng có thể là một nguyên nhân dẫn đến nghẹt mũi khi mang thai.

Làm thế nào nhận biết được tình trạng nghẹt mũi là do mang thai hay một vấn đề sức khỏe khác?

Nếu bạn không có các triệu chứng khác ngoài nghẹt mũi thì có thể là chứng viêm mũi trong thai kỳ. Nhưng nếu kèm theo sốt, hắt hơi, ho, đau họng, đau nhức nhẹ hoặc có thể tuyến nước bọt bị sưng, rất có khả năng bạn bị cảm lạnh hoặc nhiễm trùng khác.

Bên cạnh đó, bệnh viêm xoang cũng xảy ra phổ biến ở các bà bầu với các triệu chứng như sốt, nhức đầu, dịch mũi màu xanh hoặc vàng, đau nhức ở vùng mặt, đau hàm hoặc giảm khứu giác, bạn nên đi khám bác sĩ nếu có những biểu hiện trên.

Mặt khác, nếu bị ngạt hay chảy nước mũi trong, đi kèm với hắt hơi và ngứa mắt, mũi, họng, tai, có thể bạn đang bị dị ứng.


Tập thể dục sẽ giúp bạn có một thai kỳ khoẻ mạnh
Dị ứng trong thai kỳ thường không thể đoán trước, bạn có thể đột nhiên nhạy cảm với một vài chất gây dị ứng hay các chất kích thích mà trước đây bạn không bị ảnh hưởng.

Tất nhiên, không phải lúc nào cũng xác định được lý do chính gây ra chứng nghẹt mũi này, cũng có thể tình trạng khó chịu đó là do cộng hưởng của nhiều nguyên nhân như bạn có thể vừa bị dị ứng, vừa bị chứng viêm mũi khi mang thai.

Làm gì để cải thiện chứng viêm mũi khi mang thai?

Bạn có thể thử những biện pháp sau để làm giảm khó chịu khi nghẹt mũi:
  • Uống nhiều nước và kê gối cao khi ngủ. Sử dụng thêm gối để nâng đầu bạn khi nằm xuống nghỉ ngơi hoặc ngủ, diều này cũng giúp giảm chứng ợ nóng
  • Hơi nước có thể tạm thời làm giảm nghẹt và giúp dễ thở. Bạn có thể thử tắm nước ấm và cảm nhận hơi nước nóng trong phòng tắm hoặc làm ẩm khăn với nước nóng, đắp lên mặt, hít thở
  • Thử thuốc xịt mũi dạng giọt hoặc dạng phun có bán tại các nhà thuốc. Xịt hoặc nhỏ vài giọt theo chỉ định vào mỗi bên mũi và trong vòng năm hay mười phút bạn có thể hỉ mũi dễ dàng hơn
  • Sử dụng máy tạo độ ẩm để cung cấp thêm độ ẩm cho không khí và để gần đầu giường khi ngủ vào ban đêm.Nên vệ sinh máy theo đúng hướng dẫn, thay nước hàng ngày để không tạo môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển. Bạn cũng nên thay thế các bộ lọc thường xuyên
  • Thỉnh thoảng tập thể dục cũng rất hữu ích. Tránh tập ngoài trời vào những ngày không khí bị ô nhiễm, có thể gây kích ứng mũi và làm tình trạng bệnh xấu hơn
  • Tránh các chất kích thích như khói thuốc lá, rượu, sơn hoặc những thứ gây nên các triệu chứng của bạn
Nên dùng loại thuốc chống nghẹt mũi nào khi mang thai?

Nếu tình trạng nghẹt mũi kéo dài làm bạn khổ sở, nên trình bày các triệu chứng với bác sĩ và nhờ tư vấn loại thuốc phù hợp, an toàn cho thai nhi.


Tốt nhất tránh dùng bất cứ loại thuốc nào trong ba tháng đầu thai kỳ trừ khi thực sự cần thiết, như để kiểm soát hen suyễn, và được bác sĩ kê toa.

Nếu bác sĩ đồng ý, bạn có thể thử một loại thuốc thông mũi. Tuy nhiên, tránh lạm dụng thuốc xịt mũi có thể gây phản ứng ngược và bệnh của bạn tồi tệ đi.

Ngọc Anh (st)
 
Chỉnh sửa lần cuối bởi người điều hành:
Bên trên