Những câu hỏi thường gặp khi siêu âm thai - Diễn đàn bà bầu ĐangBầu.com

Những câu hỏi thường gặp khi siêu âm thai

Tiểu Nhị

Tiểu Nhị

Thành viên chính thức
Siêu âm thai là cách giúp bạn nhìn thấy hình ảnh của bé ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Nó cũng giúp phát hiện những dị tật bẩm sinh của thai nhi.


Tuy nhiên, mẹ cần biết 3 thời điểm quan trọng cũng như những điều bạn nên chú ý khi siêu âm thai. Như vậy sẽ giúp để tránh những ảnh hưởng không mong muốn trong quá trình mang thai.

Siêu âm thai là gì?
Siêu âm thai là một dạng kiểm tra chẩn đoán y khoa không xâm lấn sử dụng sóng âm để tạo ra hình ảnh của con yêu cũng như nhau thai, tử cung, cùng các cơ quan khác nằm trong khung xương chậu.

Trong quá trình kiểm tra, máy siêu âm truyền các sóng âm qua tử cung và cơ thể của con sẽ phản xạ lại loại sóng này. Sau đó, máy tính sẽ dịch sóng âm thanh, tái tạo thành hình ảnh video cho thấy hình dạng, vị trí và các cử động của em bé.

Bác sĩ sẽ dùng dụng cụ cầm tay có sóng siêu âm khi khám thai định kỳ để nghe nhịp tim của thai nhi. Mẹ bầu có thể phải siêu âm thường xuyên hơn nếu bị tiểu đường, cao huyết áp hoặc gặp các biến chứng khác về sức khỏe.


Siêu âm thai là phương pháp tiên tiến giúp mẹ theo dõi tình trạng thai nhi

Phương pháp này cho phép các bác sĩ phụ sản thu thập thông tin có giá trị về sự tiến triển của thai kỳ và sức khỏe của bé. Có các loại siêu âm thai 2D, 3D, 4D hay siêu âm Doppler màu.

Tại sao bà bầu cần siêu âm?
Siêu âm giúp khảo sát bên trong cơ thể. Nó ghi lại hình ảnh thật của các nội tạng và cấu trúc trong cơ thể mà không cần xâm lấn hay mổ xẻ vào cơ thể.

Cũng có khi phải có 1 ống hướng dẫn đầu dò siêu âm đi đúng hướng như trường hợp siêu âm qua ngả âm đạo chẳng hạn. Siêu âm dùng trong thai kì để đánh giá sự tăng trưởng và phát triển của em bé.

Các mốc siêu âm quan trọng khi mang thai
Theo các bác sĩ sản khoa, trong suốt thai kỳ, mẹ bầu cần thực hiện ít nhất 3 lần siêu âm để đảm bảo sức khỏe của mẹ và bé.

Bạn nên siêu âm vào từ tuần thứ 12- 14 của thai kỳ

Đây là lúc bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác nhất về độ tuổi của thai nhi và có thể đưa ra dự đoán ngày sinh cho bé.

Quan trọng hơn, đây chính là thời điểm thích hợp để tiến hành đo độ mờ da gáy của bé và tiến hành kiểm tra một số điểm bất thường về nhiễm sắc thể. Nếu bạn mang thai đôi, đây cũng chính là lúc bác sĩ thông báo cho bạn.

Từ tuần 21 đến tuần 24

Lúc này, thai nhi đã bắt đầu phát triển các bộ phận trên cơ thể và siêu âm giúp bạn chắc rằng bé yêu của mình đang phát triển một cách bình thường.

Bạn có thể nhìn thấy xương sống, tim, phổi, tay chân và các bộ phận khác của bé trên màn hình.

Trong giai đoạn này, bác sĩ có thể phát hiện những dị tật bất thường của thai nhi như hở hàm ếch, sứt môi, dị dạng các cơ quan nội tạng.

Lần siêu âm này rất quan trọng vì tất cả những dị dạng đều có thể nhìn thấy trong thời gian này và nếu phải đình chỉ thai thì phải làm trước tuần 28.


Siêu âm giúp phát hiện nhiều vấn đề phát sinh của mẹ và bé trong thai kỳ

Từ tuần 30 đến tuần 32 của thai kỳ

Một số bất thường ở tim và cấu trúc não xảy ra muộn thường được phát hiện vào thời điểm này.

Dị tật phát hiện trong thời điểm này tuy không thể can thiệp nhưng bạn có thể chọn cách ứng phó với nó khi sinh như chọn nơi sinh, cách sinh hoặc những cách chăm sóc bé sau này.

Ngoài ra, siêu âm lần này giúp bác sĩ nhận biết tình trạng phát triển của thai nhi, tình trạng dây rốn, nước ối,…

Siêu âm hoạt động như thế nào?
Hình ảnh siêu âm được hình thành thông qua các sóng siêu âm. Khi đầu dò được ấn vào da, nó sẽ truyền những sóng âm có tần số cao vào cơ thể.

Khi sóng âm dội lại, đầu dò sẽ ghi nhận lại những thay đổi trong độ cao và hướng của âm từ đó tạo ra những hình ảnh trên màn hình vi tính.

Lúc bắt đầu siêu âm, bác sĩ sẽ bôi một loại gel trong suốt lên bụng mẹ. Loại gel này có tác dụng giúp đầu dò tiếp xúc toàn bộ với cơ thể và hạn chế không khí chen vào giữa đầu dò và da của bạn.

Siêu âm cân nặng thai nhi có chính xác không?
Khi gần tới ngày dự sinh, bác sĩ sẽ cho bạn biết bé yêu có thể được sinh ra với cân nặng và kích thước như thế nào. Tuy nhiên, những con số này thường không mang tính tuyệt đối (sai số khoảng từ 10% – 15%).

Vì siêu âm chỉ tiếp cận thai nhi từ một góc độ nhất định. Mẹ cũng cần biết thêm rằng ở những tháng cuối thai kỳ, trọng lượng thai nhi tăng chủ yếu là sự tích tụ glycogen gan và chất béo, điều này phản ánh rõ nhất trong việc tăng chu vi bụng.

Siêu âm thai có phát hiện được tim bẩm sinh?
Thông thường thì thai nhi hình thành và quan sát được khi mà bác sỹ siêu âm bắt đầu từ tuần thứ 6 hoặc thừ 7 của thai kỳ. Khi ở tuần thai thứ 11 đã có thể thấy tim đập nhẹ rồi và bắt đầu tuần thứ 12 trở đi thì tim thai đã đập rõ ràng hơn.

Bình thường tim thai sẽ đập từ 120 – 160 lần/ phút. Tuy nhiên để đo tim thai bác sỹ phải đo nhiều lần hoặc đo khi mẹ đã được nghỉ ngơi tương đối yên tĩnh, có một thời gian nhất định thì sẽ cho được kết quả chính xác về nhịp tim của thai nhi.

Căn cứ trên nhịp tim của thai nhi cũng có thể đánh giá được sức khỏe của em bé, tiên lượng được khả năng phát triển của thai nhi.

Siêu âm 2D không tốt bằng 3D và 4D?
Nhiều người nghĩ rằng, siêu âm 3D, siêu âm 4D thì tốt hơn 2D vì nó dễ nhìn hơn và cho thấy các hình ảnh rõ ràng hơn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, siêu âm 3D chỉ được dùng trong các trường hợp để phát hiện các dị tật của thai nhi.

Còn những trường hợp về cân nặng, độ tuổi, kích thước, 3D thường không đem lại kết quả chính xác bằng 2D.

Siêu âm nhiều có ảnh hưởng đến thai nhi?
Cho tới hiện nay, siêu âm được cho là không gây nguy hiểm hay gây đau cho mẹ và bé. Siêu âm không phải bức xạ ion, không giống như X quang nên không lo biến chứng của tia.

Thỉnh thoảng khi làm siêu âm, bà bầu phải giữ bàng quang đầy gây cảm giác không thoải mái. Tuy nhiên, việc này chỉ trong một thời gian ngắn thôi.

Nếu bạn có khó chịu quá, người làm siêu âm sẽ cố gắng giữ đầu dò vừa phải không ép vào bàng quang.


Siêu âm ít gây ảnh hưởng đến thai nhi nên mẹ có thể an tâm thực hiện theo chỉ định bác sĩ

Những điều mẹ nên chú ý khi đi siêu âm
  • Bạn nên uống nhiều nước và nhịn đi tiểu trong vòng 2 giờ trước khi siêu âm vì khi bàng quang đầy nước, việc siêu âm sẽ dễ dàng hơn, hình ảnh của bé cũng rõ hơn nhiều.
  • Mặc đồ rộng rãi, thoải mái khi đi siêu âm.
  • Thông thường siêu âm lần đầu tiên thường được thực hiện ở tuần thứ 11 -14 của thai kỳ.
  • Nếu từng bị xảy thai, điều trị vô sinh hay từng bị chảy máu, đau một bên bụng hoặc có các dấu hiệu bất thường nào, bạn có thể nhờ bác sĩ tiến hành siêu âm sớm, khoảng từ tuần thứ 6 trong thai kỳ.
Siêu âm thai có được ăn sáng không?
Theo các bác sĩ chuyên khoa cho biết thực hiện đồng thời với quá trình siêu âm thai các mẹ thường cần thực hiện thêm một số xét nghiệm máu để kiểm tra đường huyết, tốc độ lắng của máu…

Do đó, trước khi siêu âm nếu ăn sáng sẽ làm ảnh hưởng, thay đổi những thành phần trong máu gây ảnh hưởng, sai lệch đến kết quả xét nghiệm.

Do vậy, trước khi đi siêu âm các mẹ bầu nên nhịn ăn sáng nhưng ngay sau khi siêu âm các mẹ bầu cần lập tức bổ sung thêm đồ ăn để tránh tình trạng hạ đường huyết dễ rơi vào trạng thái ngất xỉu và ảnh hưởng không tốt đến thai nhi.

Ngoài việc nhịn ăn sáng, các bà bầu còn không được sử dụng các chất kích thích trong vòng 12 tiếng để tránh những sai lẫn về kết quả xét nghiệm. Tránh sử dụng một số chất kích thích như: rượu bia, thuốc lá, cà phê, nước hoa quả, sữa…

Siêu âm thai có phải nhịn tiểu
Một vấn đề cần lưu ý trước khi siêu âm đó là các bà bầu cần uống nhiều nước và nhịn tiểu. Việc này giúp cho thai phụ có cảm giác buồn tiểu và làm cho bàng quang căng nước sẽ đẩy ruột ra và đẩy tử cung lên.


Mẹ nên uống nhiều nước và nhịn tiểu để kết quả siêu âm chính xác hơn

Điều này sẽ giúp cho sóng siêu âm đi nhanh hơn. Việc siêu âm trở nên thuận tiện và dễ dàng hơn, hình ảnh trong tử cung rõ nét hơn.

Siêu âm thai nhiều có tốt không?
Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện trong 35 năm qua không tìm ra bằng chứng cho thấy siêu âm gây hại cho thai nhi. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là mẹ bầu có thể siêu âm tùy hứng.

Bởi vì siêu âm là một dạng năng lượng đặc biệt và có nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Điều này có thể đặc biệt đúng trong ba tháng đầu, khi con yêu dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài.

Do vậy, hãy siêu âm khi thật sự cần thiết hoặc theo lịch trình mà bác sĩ chỉ định bạn nhé.

Những lợi ích và tác hại của siêu âm
Lợi ích:
  • Siêu âm không cần dùng kim tiêm và không gây đau đớn cho mẹ bầu.
  • Siêu âm được sử dụng rộng rãi và dễ dàng.
  • Siêu âm không dùng tia xạ ion hóa.
  • Siêu âm không gây ra những vấn đề sức khỏe nào và có thể thực hiện nhiều lần tùy vào mức độ cần thiết.
  • Siêu âm cho mẹ thấy hình ảnh rõ ràng của thai nhi ngay từ khi bé còn nằm trong bụng mẹ.
Tác hại:
  • Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được một hậu quả nào từ siêu âm gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé.
  • Tuy nhiên, cũng không ai dám khẳng định chắc chắn rằng siêu âm hoàn toàn vô hại đối với thai nhi. Vì vậy, mẹ không nên lạm dụng quá nhiều đâu nhé!

Mẹ bầu có nên siêu âm thai sớm?
Siêu âm còn được dùng để kiểm tra sức khoẻ định kì. Những vùng như vùng bụng, chậu, cơ, khớp, tim và mạch máu đều có thể kiểm tra bằng siêu âm.

Nếu thai nhi có gì bất thường thì việc phát hiện càng sớm sẽ càng tốt. Siêu âm có thể giúp hướng dẫn lên kế hoạch, tư vấn thai sản, chuẩn bị sinh và chăm sóc tiền sản. Nó cũng cho phép ba mẹ cảm giác rằng họ biết rõ tình hình của bé.

Vì thế ngay khi có chỉ định được phép siêu âm thai từ bác sĩ, mẹ bầu cần tiến hành ngay để kịp thời nắm được tình hình phát triển của thai nhi.

Ngọc Anh (st)
 
Bên trên