Tiền sản giật có nguy hiểm? - Diễn đàn bà bầu ĐangBầu.com

Tiền sản giật có nguy hiểm?

Ngọc Anh

Ngọc Anh

Thành viên chính thức
Tiền sản giật là căn bệnh rất nguy hiểm ở phụ nữ mang thai, để lại những biến chứng nặng nề nếu không được điều trị kịp thời. Vậy bệnh tiền sản giật là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, hậu quả để lại và cách điều trị tiền sản giật như thế nào, chúng ta hãy cùng tìm hiểu bài viết dưới đây:


1, Tiền sản giật là gì?

Tiền sản giật là biến chứng do nhiễm độc thai nghén thường phát triển sau tuần 20 của thai kỳ và chiếm tỉ lệ 5-8% số phụ nữ mang thai. Bệnh xuất hiện do các cơ quan bị giảm tưới máu vì mạch máu co thắt và nội mạch phù dày, xuất hiện nhiều ở những thai phụ mắc các bệnh lý liên quan như bệnh thận, bệnh basedow, bệnh tiểu đường… có thể khiến người mẹ bị tổn thương gan, thận, chảy máu (máu chảy không cầm được hay co giật khi chuyển dạ) và làm thai nhi chậm phát triển, suy thai, thậm chí chết trong tử cung.

2, Triệu chứng của tiền sản giật

Khi bị tiền sản giật, bệnh nhân sẽ xuất hiện một số triệu chứng sau:
  • Tăng huyết áp, huyết áp tối đa > 140mmHg và huyết áp tối thiểu > 90mmHg.
  • Thừa đạm trong nước tiểu.
  • Sưng phù – thường rõ ở bàn tay, chân và bàn chân.
  • Thay đổi trong tầm nhìn, bao gồm giảm tạm thời của thị giác, mờ mắt hoặc ánh sáng nhạy cảm
  • Tăng cân đột ngột (trến 2kg/tuần)
  • Đau dữ dội ở vùng bụng trên
  • Đau đầu dai dẳng kèm buồn nôn, nôn mửa.
3, Nguyên nhân gây ra tiền sản giật

Thai phụ gặp các vấn đề dưới đây thường có nguy cơ bị tiền sản giật cao:
  • Cao huyết áp mãn tính
  • Bị một số chứng rối loạn như máu khó đông, có tiền sử mắc bệnh tiểu đường, bệnh thận, hoặc bệnh tự miễn như lupus (lở ngoài da) trước đó.
  • Có người thân trong nhà như bà, mẹ, cô, dì hay chị em ruột… bị tiền sản giật
  • Bị béo phì, thừa cân trong thai kỳ
  • Mang song thai hoặc đa thai
  • Chế độ dinh dưỡng nghèo nàn

4, Tiền sản giật để lại hậu quả gì?

Trong các trường hợp nhẹ, tiền sản giật thường không ảnh hưởng đến mẹ và bé. Nhưng nếu mẹ bị tiền sản giật nặng có thể dẫn đến các biến chứng khôn lường như:
  • Thiếu lưu lượng máu đến nhau thai: Lưu lượng máu giảm khiến nhau thai không nhận đủ máu, thai nhi có thể nhận được ít oxy và chất dinh dưỡng hơn. Điều này có thể làm bé bị chậm phát triển, suy dinh dưỡng, suy thai, sinh non và gây khó thở cho em bé.
  • Bong nhau thai: Tiền sản giật làm tăng nguy cơ bong nhau thai, trong đó nhau thai bị tách ra khỏi thành trong của tử cung trước khi sinh. Bong nặng có thể gây chảy máu nặng, có thể đe dọa mạng sống cho cả mẹ và bé.
  • Hội chứng HELLP: HELLP – viết tắt của tán huyết (sự phá hủy của các tế bào máu đỏ), men gan cao và số lượng tiểu cầu thấp – hội chứng có thể nhanh chóng trở thành đe dọa cho cả mẹ và bé. Các triệu chứng của hội chứng HELLP bao gồm buồn nôn và nôn, đau đầu và đau bụng trên bên phải. Hội chứng HELLP là đặc biệt nguy hiểm bởi vì nó có thể xảy ra trước khi có dấu hiệu hoặc triệu chứng tiền sản giật xuất hiện.
  • Sản giật: Khi tiền sản giật không được kiểm soát, sản giật sẽ là biến chứng cấp tính của tiền sản giật mà biểu hiện lâm sàng bằng những cơn co giật liên tục rồi kết thúc bằng hôn mê. Nếu không điều trị kịp thời sản phụ có thể co giật liên tiếp cho đến khi chết.
  • Bệnh tim mạch: Tiền sản giật có thể làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch trong tương lai.
5, Cách chữa bệnh tiền sản giật

Tiền sản giật là một căn bệnh nguy hiểm và diễn ra trong thời gian rất nhanh, mặc dù ảnh hưởng của nó đôi khi không rõ ràng. Do đó khi thấy xuất hiện các dấu hiệu như nhức đầu, hoa mắt, nhìn mờ, tăng cân nhanh, đau vùng thượng vị, huyết áp tăng cao, tiểu ít, nước tiểu đậm màu thai phụ cần đến các trung tâm y tế để kiểm tra, xét nghiệm và điều trị kịp thời.


Cách điều trị:

Trường hợp tiền sản giật nhẹ, thai non tháng, người mẹ có điều kiện, có kiến thức có thể tự theo dõi. Tái khám mỗi tuần 1 lần. Tại bệnh viện làm các xét nghiệm, huyết đồ, chức năng gan, chức năng thận, xét nghiệm đông máu toàn bộ, nhóm máu và tổng phân tích nước tiểu. Đo monitoring sản khoa, và siêu âm thai Doppler, hướng dẫn theo dõi cử động thai máy. Tại nhà đo huyết áp ngày 2 lần sáng – chiều, ghi nhớ lại các thông số đo được, theo dõi cân nặng, thai máy, nằm nghỉ ngơi hoàn toàn, không làm việc.

Nếu bị tiền sản giật nặng, phải chấm dứt ngay bệnh bằng việc sinh thai nhi ra, ngay cả khi thai nhi còn non tháng để tránh nguy cơ biến chứng nặng và tử vong cho mẹ. Người mẹ có thể được kích thích chuyển dạ trong một vài ngày và mổ đẻ là cần thiết cho người mẹ tiền sản giật.

Tóm lại, tiền sản giật là một căn bệnh nguy hiểm, có thể gây ra những biến chứng khó lường cho cả mẹ và thai nhi. Vì vậy mọi người mẹ khi mang thai cần hiểu rõ tình trạng sức khỏe của mình, nắm bắt thông tin về những căn bệnh thường gặp khi mang thai, theo dõi thai kỳ thường xuyên, phát hiện, chủ động và kịp thời xử trí khi có vấn đề không mong muốn xảy ra.

Ngọc Anh (st)
 
Chỉnh sửa lần cuối bởi người điều hành:
Bên trên