Dinh dưỡng của trứng ngỗng và bất ngờ về loại trứng tốt nhất cho bà bầu, trẻ nhỏ - Diễn đàn bà bầu ĐangBầu.com

Dinh dưỡng của trứng ngỗng và bất ngờ về loại trứng tốt nhất cho bà bầu, trẻ nhỏ

Tran Nga

Tran Nga

Thành viên chính thức
Có quan niệm trứng ngỗng rất bổ, bà bầu ăn trứng ngỗng sinh con sẽ thông minh. Nhưng thật sự trứng ngỗng có công dụng kỳ diệu hơn các loại trứng thông dụng như trứng gà, trứng vịt không?


Dinh dưỡng của trứng ngỗng và bất ngờ về loại trứng tốt nhất cho bà bầu, trẻ nhỏ

Dù đã được tẩm bổ rất nhiều món ăn, các bà bầu thường vẫn phải cố ăn một món rất ngán đó chính là quả trứng ngỗng to đùng. Họ nhắm mắt, bịt mũi mà ăn với niềm tin trứng ngỗng sẽ giúp thai nhi phát triển mạnh khỏe. Nhiều bậc phụ huynh cũng ép con ăn trứng ngỗng để thông minh, chóng lớn. Thế nhưng hàm lượng dinh dưỡng của trứng ngỗng thì ít người biết.

Thông thường người ta chỉ ấp nở trứng để nuôi ngỗng con chứ ít khi bán trứng. Chính vì điều này nên trứng ngỗng khá hiếm, lại được tìm mua nhiều nên bị đẩy giá cao hơn gấp nhiều lần giá trị thực. Người tiêu dùng thấy giá cao. lại càng thêm tin rằng trứng ngỗng thực sự quý hiếm. Thế nhưng theo các nhà khoa học, quả trứng ngỗng chỉ là một “gã to xác ngờ nghệch”.


Rất nhiều bà bầu tin rằng ăn trứng ngỗng con sinh ra sẽ xinh đẹp và thông minh

Về giá trị dinh dưỡng, trứng ngỗng có protein 13,5% (so với trứng vịt 11,8% và trứng gà là 12,5%), lipid 13,2% (so với trứng vịt 13,5% và trứng gà 11,6%). Trứng ngỗng chứa các loại vitamin như: Vitamin A: 0,28; vitamin B1: 0,09; vitamin B2: 0,26; vitamin PP: 0,10. Tương ứng trong trứng gà là 0,06; 0,14; 0,24; 0,20 và trong trứng vịt là 0,32; 0,13; 0,26; 0,10. Như vậy về vitamin, trứng ngỗng đều có ít hơn trứng gà, mà vitamin A lại rất cần cho phụ nữ có thai.

Người Mỹ hầu như không ăn trứng ngỗng vì cholesterol nhiều, dễ gây bệnh tim mạch. Một quả trứng ngỗng có đến 1.227mg cholesterol. Trong khi đó một người khỏe mạnh không nên bổ sung quá 300mg cholesterol mỗi ngày.

Tuy trứng ngỗng giàu canxi, protein hơn trứng gà, thế nhưng tỉ lệ các chất dinh dưỡng như protein, lipid, gluxit, các vitamin và khoáng chất trong trứng gà phối hợp rất hợp lý. Sự hài hòa này của trứng gà giúp bồi bổ sức khỏe tốt hơn hẳn so với trứng ngỗng.

Theo y học cổ truyền, trứng gà luôn là chất bổ dưỡng tối ưu dùng bồi bổ cơ thể. Đông y gọi là lòng đỏ trứng gà là “kê tử hoàng”, có vị ngọt tính ấm, có công dụng dưỡng âm, ninh tâm, vỗ tỳ vị, trị mất ngủ do âm hư và nôn mửa do khí nghịch… Do vậy phụ nữ mang thai ăn trứng gà sẽ bớt đi cảm giác buồn nôn.

Như vậy, liệu trứng gà có phải là tốt nhất cho sức khỏe bà bầu và trẻ em? Thực tế có một loại trứng nhỏ bé ít được coi trọng nhưng hàm lượng dinh dưỡng lại đứng ở vị trí số 1, đó chính là trứng chim cút.

Mỗi quả trứng chim cút có trọng lượng khoảng từ 10-12g, nhỏ hơn trứng gà 5 lần, nhưng vitamin A trong một quả trứng cút nhiều hơn trong trứng gà 2,5 lần. Lần lượt hàm lượng B1 và b2 cũng cao hơn tương ứng 2,8 và 2,2 lần. Phốt pho, kali, sắt trong trứng cút cao hơn trứng gà gấp 5 lần.

Thêm vào đó, trứng cút cũng rất giàu các chất như đồng, coban, niacon và các axit amin thiết yếu. Nồng độ lecithin cao trong trứng cút cũng có tác dụng làm giảm lượng cholesterol trong máu. Trứng cút cũng là một loại thực phẩm giúp tăng sức đề kháng.

Theo Đông y, trứng chim cút vị ngọt tính bình, có tác dụng bổ ngũ tạng, lợi cửu khiếu, ích trung khí, mạnh gân cốt. Trứng chim cút dùng cho các đối tượng suy nhược thần kinh và thể lực, trẻ em suy dinh dưỡng, người già lú lẫn, phụ nữ có thai và cho con bú, người mới ốm dậy cần lấy lại sức, người lao động vất vả chân tay và trí óc…

Không chỉ bổ cho bà mẹ, trẻ nhỏ, đàn ông yếu thận, liệt dương… nếu ăn thường xuyên mỗi ngày 3 quả trứng chim cút, bệnh sẽ tiến triển rõ rệt. Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, trứng cút lộn còn bổ hơn trứng thường rất nhiều, nhưng không nên lạm dụng. Người lớn có thể ăn 5-7 quả mỗi ngày, trẻ em ăn từ 1-2 quả mỗi ngày, không nên ăn kéo dài quá 15 ngày.

Nói tóm lại, phụ nữ có bầu và trẻ nhỏ dùng trứng chim cút là tốt nhất, chẳng tội gì phải mua trứng ngỗng, ăn vừa chán vừa không bổ dưỡng bằng trứng chim cút. Với những thai phụ có “niềm tin sắt đá” vào trứng ngỗng, họ vẫn có thể ăn nhưng không nên quá 3 quả trong 1 tháng. Với một quả trứng ngỗng to như vậy nên chia làm 2-3 lần ăn cho đỡ ngán.

Theo Báo Tuổi trẻ & Đời sống
 
Chỉnh sửa lần cuối bởi người điều hành:
Bên trên