Nhận biết bệnh viêm não Nhật Bản sớm - Diễn đàn bà bầu ĐangBầu.com

Nhận biết bệnh viêm não Nhật Bản sớm

admin

admin

Administrator
Staff member
Đối với trẻ sơ sinh, triệu chứng viêm não Nhật Bản thường không rõ ràng, vẫn chủ yếu là nôn ói, thóp phồng hay khóc nhiều. Những dấu hiệu này bị "đánh đồng" với rất nhiều bệnh, đó là lý do phụ huynh thường chủ quan.

Theo các số liệu thống kê từ cơ quan chức năng, đây là căn bệnh cứ 10 trẻ thì chết 3 nhưng cha mẹ vẫn cứ “lơ tơ mơ” về các triệu chứng viêm não Nhật Bản, khiến bệnh đã không có cách chữa trị triệt để càng gia tăng biến chứng nguy hiểm.

Viêm não Nhật Bản là bệnh nhiễm trùng cấp tính, có thể gây tổn thương cao hệ thần kinh trung ương. Cao điểm dịch bệnh là từ tháng 5 – 7. Mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh nhưng chủ yếu là trẻ em dưới 15 tuổi, đặc biệt nhóm trẻ từ 2-6, chiếm 75% tổng số trẻ mắc.


Cứ tới tháng 5-7 hàng năm, mẹ lại nơm nớp lo sợ dịch bệnh viêm não Nhật Bản

Viêm não Nhật Bản B, không thể coi thường

Vậy trung gian lây truyền bệnh là muỗi Culex Tritaeniorhynchus. Loại muỗi này hút máu động vật nhiễm virus một số loài chim, gia súc, đặc biệt là heo rồi đốt người, qua đó truyền virus.

Tại sao mọi người lại coi viêm não Nhật Bản là một bệnh đáng sợ? Đối với trẻ sơ sinh hay ở độ tuổi con đang lớn, vào mùa cao điểm dịch bệnh nếu bị muỗi mang mầm bệnh đốt trong khi chưa được tiêm ngừa và chưa có kháng thể phòng bệnh, có thể liệt, không nói trở lại được hoặc nói ngọng, rối loạn về vận động, trí tuệ.

Một số di chứng nặng nề khác như: Viêm phổi, viêm phế quản, một số có di chứng muộn sau một năm trẻ bị bệnh này hoặc lâu hơn như động kinh, Parkinson. Tương lai tươi sáng bỗng dưng khép lại.

Theo ước tính của các chuyên gia, có khoảng 25 – 35% bệnh nhân tử vong và khoảng 50% bệnh nhân có di chứng thần kinh, tâm thần. Tử vong nhiều nhất trong 7 ngày đầu khi hôn mê sâu, tử vong giai đoạn sau chủ yếu do các biến chứng viêm phổi, suy kiệt…

Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Thái Lan đã từng bùng phát dịch bệnh trong quá khứ, nhưng hiện nay đã kiểm soát được bằng vắc xin. Còn Việt Nam, Campuchia, Myanmar, Ấn Độ, Nepal và Malaysia thỉnh thoảng vẫn phát sinh dịch bệnh.

Dấu hiệu viêm não Nhật Bản

Triệu chứng với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ hoàn toàn khác với trẻ lớn. Cụ thể:

Trẻ nhỏ

Các dấu hiệu không điển hình và khó phát hiện. Thông thường khi nhiễm virus viêm não Nhật Bản, bé nôn ói nhiều, thóp phồng, khóc nhiều dỗ không nín hoặc bé khóc nhiều hơn khi được bế hoặc làm thay đổi tư thế, gồng cứng người.

Trẻ lớn

Ở giai đoạn khởi phát, trẻ thường sốt cao từ 39-40 độ C, kèm đau đầu, buồn nôn và nôn. Sau đó dẫn đến co giật, co cứng cơ và lú lẫn.

Giai đoạn toàn phát là dấu hiệu ở não, màng não và rối loạn thần kinh thực vật.
  • Dấu hiệu màng não có 2 triệu chứng phổ biến là “cứng gáy” và dấu hiệu Kernig phải do bác sĩ khám và xác định.
  • Rối loạn vận động thể hiện trên nhiều khuôn mặt như co cứng cơ mặt, cơn quay mắt quay đầu, co giật, run giật, liệt nửa người, mất vận động ngôn ngữ.
  • Triệu chứng thần kinh thực vật có thể kể đến nhiệt độ cơ thể dao động, xanh tái, rối loạn hô hấp, tăng tiết đờm dãi, nhịp tim nhanh, chướng bụng, nôn,
  • Các triệu chứng tâm thần chủ yếu là rối loạn ý thức với các mức độ khác nhau từ u ám, ngủ gà đến hôn mê sâu.
Sai lầm phổ biến

Triệu chứng ban đầu của viêm não Nhật Bản rất giống các bệnh viêm nhiễm khác, đến ngày 2-3 mới có biểu hiện sốt. Nhiều gia đình thấy trẻ nôn ói nhiều thì dùng thuốc chống nôn, sẽ làm mờ đi triệu chứng của viêm não Nhật Bản, làm bác sĩ khó chẩn đoán. Vì vậy ngay khi thấy con sốt cao không hạ được nhiệt độ phải nhập viện theo dõi để có cách xử trí kịp thời nếu con bị viêm não.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Cách duy nhất để phòng bệnh là tiêm vắc xin đầy đủ. Bộ Y tế đã đưa vắc xin ngừa viêm não Nhật Bản vào chương trình tiêm chủng mở rộng hoàn toàn miễn phí cho trẻ dưới 15 tuổi.

Trẻ cần tiêm vắc xin đủ 3 liều. Mũi 1 lúc 1 tuổi, mũi 2 cách mũi 1 từ 7-14 ngày. Mũi 3 cách mũi 2 một năm. Nếu chỉ tiêm 1 mũi thì không có hiệu lực bảo vệ. Tiêm đủ 2 mũi hiệu lực bảo vệ đạt trên 80%; tiêm đủ 3 mũi thì đạt 90-95% trong khoảng 3 năm. Do đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng khuyến cáo để phòng tránh bệnh cần:
  • Tạo thói quen diệt muỗi vốn là mầm mống gây nên viêm não Nhật Bản
  • Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở, chuồng gia súc sạch sẽ để muỗi không có nơi trú đậu
  • Ngủ màn, không cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc đề phòng muỗi đốt
Triệu chứng viêm não Nhật Bản với trẻ sơ sinh không rõ rệt, cách tốt nhất chính là tiêm phòng vắc xin đầy đủ cho trẻ hoặc khi thấy dấu hiệu bất thường cần đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám.
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Bên trên